Bất ổn kinh tế là chủ đề bao trùm khắp các khu vực lớn về tiêu thụ thủy sản, với áp lực lạm phát, biến động tiền tệ và căng thẳng địa chính trị. Với tỷ lệ lạm phát hiện đang giảm ở các nền kinh tế lớn, cảm giác lạc quan dường như đang quay trở lại thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, đã có một số thách thức chính trong năm 2024 tiếp tục tác động đến ngành thủy sản khai thác và nuôi trồng. Sự phục hồi của thị trường toàn cầu đang song hành với tình trạng vận chuyển hàng hóa không ổn định, và sự tăng trưởng tiêu thụ ở nhiều quốc gia vẫn đang trong trạng thái trì trệ.
Dự kiến tăng trưởng sản lượng thủy sản toàn cầu sẽ hạn chế ở mức 191 triệu tấn (trong đó: sản lượng nuôi trồng thủy sản được dự đoán lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 100 triệu tấn, trong khi sản lượng khai thác thủy sản chỉ được dự đoán ở mức 90 triệu tấn), dẫn đến mức tăng trưởng sản lượng thủy sản toàn cầu chỉ là 2% so với cùng kỳ năm trước, chưa đạt được xu hướng tăng trưởng dài hạn của ngành.
Trong năm nay, vận chuyển toàn cầu vẫn tiếp tục bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa và loại hình vận tải hàng hóa. Hạn hán đã buộc phải giảm lượng tàu qua Kênh đào Panama, giảm số lượng tàu hàng ngày từ 36–38 tàu thông thường xuống còn 24 tàu (vào tháng 11 năm 2023). Điều này đã tạo ra tình trạng tồn đọng đáng kể, mặc dù tình hình hiện đã được cải thiện nhiều sau khi mực nước ở Hồ Gatun (hồ chứa nước sử dụng cho các âu tàu ở Kênh đào Panama) đã dần trở lại bình thường.
Đến tháng 7 năm 2024, số lượng tàu qua lại hàng ngày đã tăng lên 32 tàu, với năng lực vận chuyển dự kiến sẽ trở lại bình thường vào năm 2025. Tuy nhiên, các chuyến hàng container bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Biển Đỏ, với số lượng các container đông lạnh (được dùng để vận chuyển phần lớn thủy sản toàn cầu) đã giảm đáng kể. Các cuộc tấn công của các chiến binh Houthi vào tàu thuyền ở Biển Đỏ đã khiến một số lượng lớn hàng hóa phải chuyển hướng vòng qua Nam Phi và Mũi Hảo Vọng, một đường vòng dài khoảng 7.000 km.
Giá cả đã tăng trên diện rộng, trong đó các tuyến Châu Á-Châu Âu và Châu Á-Bờ biển phía Đông Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất. So với một năm trước, hàng hóa container được gửi vào tháng 8 năm 2024 sẽ phải dành nhiều thời gian trên biển hơn 9% đã đẩy giá cước vận tải lên mức cao nhất kể từ sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Chỉ số giá cước vận tải toàn cầu của Drewry đã tăng lên 5.400 đô la Mỹ cho mỗi container 40 feet vào giữa tháng 8 năm 2024, nghĩa là đã tăng khoảng 116% so với đầu năm 2024.
Trong khi Liên minh châu Âu chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhẹ vào quý 2/2024 thì lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn và niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang ở mức thấp. Điều này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách thức tiêu dùng, với nhu cầu thiên về các loài có giá trung bình, nhu cầu đối với các loài thủy sản có giá cao như cá vược và cá kiếm đang giảm dần. Song điều này không xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, vì nhu cầu đối với các sản phẩm hải sản có giá cao vẫn duy trì ổn định, do sở thích văn hóa và thu nhập khả dụng ổn định ở hai quốc gia này. Tại Nhật Bản, nhập khẩu cá ngừ vẫn rất mạnh, mặc dù giá cá ngừ đánh bắt tự nhiên tăng gần 7% trong nửa đầu năm 2024 do sự kết hợp của sản lượng đánh bắt thấp ở Thái Bình Dương và chi phí dịch vụ hậu cần tăng. Trong khi đó, Hàn Quốc đã chứng kiến nhập khẩu các sản phẩm cá đông lạnh tăng, đặc biệt là cá thu và cá trích, vì hai loài này vẫn được ưa chuộng tại quốc gia này.
|
Những thay đổi của đồng đô la Mỹ có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện tài chính toàn cầu và có tác động đặc biệt rõ rệt đến các thị trường mới nổi và các nhà xuất khẩu thủy sản. Đồng đô la mạnh sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu, dẫn đến sản lượng và tăng trưởng thương mại giảm, tài chính xuyên biên giới giảm và giá cả hàng hóa cũng giảm. Khi đồng đô la mạnh lên, nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là các mặt hàng được định giá bằng đô la (như hải sản) và tác động đến cả chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh thương mại trong ngành thủy sản. Tất cả những điều này đã dẫn đến việc giảm chung về khả năng chi trả cho việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản (không chỉ đối với những nước đang phát triển mà còn đối với các thị trường lớn hơn như Liên minh Châu Âu) làm tăng thêm tình trạng giá cả leo thang liên quan đến nạn lạm phát.
Trong các mặt hàng chính của ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, có những thay đổi lớn, đáng chú ý, đã xảy ra trong năm 2024. Đối với ngành tôm, việc Trung Quốc giảm nhập khẩu cùng với giá giảm liên tục gây áp lực lên các nhà cung cấp. Đồng thời, một số nhà sản xuất lớn đã tăng lượng tôm sú dự trữ để ứng phó với những động thái thị trường này. Trong khi ngành cá hồi ở Na Uy và Chile đã phải đối mặt với những thách thức do dịch bệnh bùng phát, thời tiết xấu và những thay đổi về quy định… dẫn tới quý đầu tiên của năm 2024 được đặc trưng bởi nguồn cung cá hồi toàn cầu giảm. FAO dự báo giá cá thu và cá trích sẽ tăng do việc cắt giảm hạn ngạch ở Bắc Đại Tây Dương, trong khi giá cá ngừ vằn tăng vọt do sản lượng đánh bắt ở Thái Bình Dương thấp hơn.
FAO cũng đã cung cấp thông tin chi tiết và phân tích kỹ về 13 mặt hàng thủy sản được giao dịch nhiều nhất trên thị trường thủy sản thế giới. Tạp chí “Globefish Highlights - số 3 năm 2024” sẽ cung cấp thông tin tổng quan, toàn diện về diễn biến thị trường và động lực mới toàn ngành thủy sản khai thác và nuôi trồng toàn cầu.
Ngọc Thúy (theo FAO)